Cách đặt bàn thờ trong nhà ở và chung cư
Với truyền thống, phong tục của người Á đông, hầu như nhà nào cũng có một ban thờ, có khi là hai đến ba ban khác nhau. Tuy nhiên, việc đặt ban thờ như thế nào cũng khiến nhiều người băn khoăn, đặc biệt tại các căn hộ trong tòa nhà chung cư.
Bố trí bàn thờ sao cho đúng luôn là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn
Ý nghĩa của việc đặt ban thờ
Ban thờ có một ý nghĩa về mặt tinh thần, ngoài ra, sự thờ cúng còn thể hiện đạo lý và đạo hiếu. Thường tại các gia đình, người ta thờ thần linh bản thổ với ý nghĩa thể hiện sự tôn kính với các thần là các quan cai quản.
Cũng có ý nghĩa gần như tương tự khi chuyển đến nhà mới thì làm các thủ tục khai báo thường trú hay tạm trú với cơ quan chức năng địa phương mà mình sinh sống, đầu tiên chúng ta báo với tổ trưởng tổ dân phố hay với trưởng thôn, tiếp đó là đến công an quản lý hộ tịch…
Đặt ban thờ thần linh ở nơi ở mới, với ý nghĩa là nơi ban thờ thần linh là nơi chúng ta khai báo tạm trú, tạm vắng, thường trú về đường âm; theo như lời các cụ nói “đất có thổ công, sông có hà bá”.
Theo quan niệm dân gian, thờ thần linh tại gia còn một ý nghĩa nữa là để các ngài che chở, bảo hộ, không cho các vong linh lang thang vào ngôi nhà tùy tiện, nơi thờ tại gia là đơn vị quản lý nhỏ nhất trực thuộc nhà nước theo phần âm.
Về trần gian thì một cơ quan có người bảo vệ thì người lạ không thể tự ý ra vào được, kẻ lang thang không vào quấy phá. Một ý nghĩa nào đó, nó giống như việc sau khi khai báo giấy tờ và làm tạm vắng, tạm trú mà có người khác đến tranh chấp, gây sự thì có chính quyền đứng ra bảo vệ.
Ý nghĩa thứ nhất của việc thờ gia tiên là thể hiện đạo hiếu, tức báo hiếu gia tiên, thể hiện lòng hiếu thảo, sống có lễ nghĩa, giáo dục về cội nguồn.
Để vào những dịp quan trọng của gia đình, như ngày cưới xin và tết nhất hay giỗ chạp; khi thắp nén nhang trước ban thờ gia tiên, được các bậc ông, bà, bố, mẹ giáo dục và truyền lại, giảng dải và trao truyền truyền thống gia đình, để con cháu và dâu rể biết về dòng tộc, về nề nếp gia phong dòng họ, thể hiện lòng thành nhớ về cội nguồn, công đức và công ơn tổ tiên, hướng con người sống tử tế có đạo lý, để con cháu sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ…
Thực tế hiện nay, do mong muốn về tiền tài, địa vị nên việc thờ cúng được người ta “sính” hơn. Người làm ăn, buôn bán không gặp thuận lợi cũng tăng cường lễ cúng, người thì công danh sự nghiệp trắc trở hoặc muốn thăng quan cũng lễ cúng. Nhiều người cũng nghĩ do lễ cúng chưa chu đáo nên công việc làm ăn không thuận lợi cũng chăm chỉ lễ cúng hơn. Thờ cúng từ một việc làm tốt đẹp, nhiều khi lại biến thành trao đổi và cơ chế xin – cho.
Theo Kiến trúc sư Hoàng Trà, Giám đốc Công ty Kiến trúc và Xây dựng dân dụng Hà Nội, Trưởng ban phong thủy – Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, việc thờ cúng không xuất phát vì chữ “đạo” thì cũng sẽ không có “đắc”. Hiện nay, việc thờ cúng thiên về lễ nghi và ít đi sự lễ nghĩa.
Ban thờ có ý nghĩa về mặt tinh thần, thể hiện đạo hiếu của người Việt
“Nhìn về một khía cạnh nào đấy, nếu một người thờ cúng xuất phát từ tâm đạo thì đương nhiên được các chư vị Thần linh gia hộ, độ trì. Về phương diện giao thiệp, ra ngoài sẽ được độ cho gặp người quý nhân giúp đỡ. Khi một người đủ phúc đức và được độ trì thì đi chơi cũng ra việc, ra tiền, nhận được hợp đồng.
Còn những người không tu nhân, không tích đức, không tạo phúc, gia đình phúc cạn thì ra ngoài không gặp điều may, hay gặp ác nhân theo quy luật nhân quả và khi nghiệp đến sẽ chịu báo ứng thành các vận đen đủi.
Dù có người bỏ rất nhiều tiền ra xây đình chùa và làm từ thiện, nhưng lại là những đồng tiền không sạch thì cũng chẳng có thêm được tí chút công đức nào, cũng chẳng có Phật Thánh độ trì cho đâu. Thế nên, việc thờ cúng phải xuất phát từ tâm thì mới linh”, kiến trúc sư Hoàng Trà khuyến cáo.
Đặt ban thờ sao cho đúng?
Câu hỏi nhiều người quan tâm hiện nay là vị trí đặt ban thờ như thế nào là thích hợp?
Theo kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, ban thờ của một gia đình tính từ khoảng 5 đời trở xuống thường có 3 bát hương. Bát ở giữa thờ chư vị thần linh bản thổ. Bát bên phải (khi đứng nhìn vào ban thờ) là bát hương gia tiên, tiên tổ. Bát hương bên trái là thờ ông mãnh, bà cô, cậu cô (thường là người chết trẻ, ở vai thấp hơn chủ nhà).
Lưu ý, việc sắp đặt ban thờ còn tùy thuộc vào văn hóa của từng vùng miền, nhưng dù ở đâu thì cũng phải hợp đạo lý và vai vế, nói đến tổ tiên ông bà thì cũng là người âm thông thường, là thảo dân so với các quan thần linh. Mà hôm nay là người dương và ngày mai chết đi là thành người ở cõi âm, cho nên việc đặt bát hương thờ gia tiên và ông mãnh bà cô cao hơn hay to hơn hoặc trang trọng hơn bát hương thần linh là chưa hợp về đạo lý và vai vế.
Đối với nhà riêng, người ta thường chọn vị trí đặt ban thờ làm sao để sau lưng có thế dựa vững chắc, không hở hậu. Ban thờ hướng ra cửa, hướng ra ban công, hoặc có thể quay ngang nhà, dù hướng hợp tuổi hay không thì không nên nhìn vào phía mặt hậu. Nhiều người hiện nay cho rằng cửa vào phòng, nhà không được thẳng với ban thờ.
Chưa bàn chuyện đúng sai, thử hỏi mọi người có chùa, đình, đền hay nhà thờ cổ nào từ xưa đến nay có ban thờ nào không hướng ra cửa, ra sân? Cho nên cửa phòng thờ có thẳng ban thờ cũng không phạm gì mà phải băn khoăn.
Bàn thờ nên được bố trí nơi phong quang, sạch sẽ
Theo phong thủy Bát Trạch, người ta căn cứ theo tuổi của nam chủ nhà để đặt hướng ban thờ. Khi mua căn hộ chung cư, người ta đặt theo hướng tốt của tuổi nhưng nếu ban thờ lại bị nhìn vào nhà vệ sinh, cửa phòng ngủ vợ chồng hoặc nơi phơi quần áo thì cách bố trí ban thờ đó bị phạm.
Do đó, khi đặt ban thờ người ta luôn chọn theo thế, trước ban thờ phải sạch đẹp, phong quang chứ không ai để trước ban thờ những thứ uế tạp. Có người băn khoăn sau lưng ban thờ là tường nhà vệ sinh nhưng lại chọn ban thờ nhìn vào cửa phòng vệ sinh thì còn sai hơn nhiều.
Trong trường hợp nếu băn khoăn ban thờ dựa vào tường nhà vệ sinh thì có thể đóng thêm một bảng hay hộp gỗ ốp vào tường rồi mới treo ban thờ, với mục đích tạo nên một khoảng không gian ngăn cách ban thờ và phòng vệ sinh. Xét theo thực tế thì khoảng cách 10m hay 3m cũng là không gian một phòng, trong phong thủy thì cách nhau 3cm thì cũng là khoảng không có ý nghĩa giống như 3m.
Vậy, với các trường hợp ban thờ tính theo tuổi nam chủ nhân mà phạm tuyệt mệnh có phải bị xấu không? Ban thờ có tính theo tuổi không? Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, chúng ta cùng đàm luận để trả lời từng câu hỏi.
Ví dụ trường hợp khá phổ biến hiện nay, một người năm nay khoảng 65 tuổi, xây một biệt thự vừa ở, vừa để thờ phụng. Khu đất rộng rãi thì đương nhiên hướng cửa, hướng ban thờ phải tính hướng nhà theo tuổi người ta. Sau này về già và khi có tuổi bàn giao lại cho người con. Lúc này hướng nhà và hướng ban thờ phạm tuyệt mệnh với người con.
Liệu rằng lúc này người con có khênh ban thờ đặt chỗ khác hay sửa cho hợp hướng? Hơn nữa, với trường hợp làm nhà thờ họ truyền nhiều đời thì tính theo hướng ai, mà cứ tính theo tuổi của trưởng họ thì một thời gian lại chuyển hướng ban thờ và họp dòng họ thì có hợp lý không? Trường hợp này cho thấy ban thờ tính theo tuổi không còn phù hợp.
Do đó, ban thờ phải đặt theo thế cục, phương vị của toàn lô đất, toàn ngôi nhà và phòng thờ.
Với chung cư, khi tính toán phong thủy ban thờ và bếp hay giường ngủ, phải tính toán từ đại cục của toàn bộ tòa nhà, cho tới vị trí và hướng và công năng sử dụng của căn hộ, công năng phòng khách rồi mới chọn phương vị đặt cho tốt nhất.
Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà: “Phương vị đặt ban thờ cần được nhìn nhận nhiều chiều, nhiều khía cạnh và không có phương án cứng nhắc, phải vận dụng linh hoạt các kiến thức về phong thuỷ theo đạo lý của tâm linh, để có thể đưa ra phương án tối ưu nhất.
Hơn nữa, phong thủy không chỉ có một trường phái, trong đó phong thủy Bát Trạch chỉ là một trường phái căn bản. Việc phân định thành nhiều trường phái là về mặt khái niệm có tính phân biệt, người làm phong thủy phải học tất cả các kiến thức về phong thủy và địa lý, thống nhất thành một thể thì mới linh nghiệm.
Giống như người thầy Đông y giỏi thì phải uyên thâm từ việc bắt mạch, bấm huyệt, châm cứu, bào chế thuốc, kê đơn, bốc thuốc, chứ không chỉ giỏi mỗi việc bắt bệnh mà đã chữa được bệnh đâu”.